Skip to content

Khí công chữa bệnh tiểu đường

    Thường thì các triệu chứng của tiểu đường giai đoạn đầu rất khó xác định được do chúng gần giống với các vấn đề thường gặp liên quan đến sức khỏe. Mức đường huyết lúc đói thì nhỏ hơn 100mg/dL. Nếu nó dao động trong khoảng 100-125mg/dL thì bạn đã bị tiểu đường.

    Việc xử lý sớm bệnh tiều đường sẽ giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh nhồi máu cơ tim, đột quỵ và các biến chứng nghiêm trọng khác ảnh hưởng từ tiểu đường.

    Để phát hiện sớm tiểu đường, các chuyên gia nghiên cứu đã chỉ ra 8 triệu chứng sau đây:

    1. Khát nước nhiều hơn bình thường

    Nếu bắt đầu mắc tiểu đường, bạn sẽ cảm thấy khát hơn bình thường. Đó là triệu chứng đầu tiên. Tuy nhiên, có những trường hợp là do bị mất nước. Vì vậy, bạn nên kết hợp kiểm tra nhiều triệu chứng khác nữa trước khi đưa ra kết luận bị bệnh tiểu đường.

    2. Đi tiểu thường xuyên

    Đi tiểu thường xuyên có thể do vấn đề về sức khỏe, khả nghi nhất là vấn đề bệnh thận. Nhưng nếu bạn đi tiểu nhiều cùng với lượng nước tiểu nhiều hơn bình thường, đó có thể là dấu hiệu sớm của bệnh tiểu đường tuýp 2.

    3. Tầm nhìn giảm sút

    Bạn bị mờ mắt? Tầm nhìn của bạn không còn rõ nét như trước, các vật thể sẽ bị ra khỏi tầm mắt và mờ nhạt dần.

    4. Viêm nướu
    Khi bị tiểu đường, lợi (nướu) sẽ là nơi nhận ảnh hưởng nhiều nhất. Nguyên nhân là do khi mắc bệnh tiểu đường, các hệ thống miễn dịch sẽ bị tổn thương, khiến cho cơ thể yếu đi và khó chống lại vi khuẩn được. Nếu không điều trị tiểu đường đúng thời điểm, tình trạng viêm sẽ ngày càng tồi tệ hơn nhiều.

    5. Xuất hiện nhiều vết thâm nám

    Bị tiểu đường đồng nghĩa với việc sức khỏe làn da cũng bị ảnh hưởng. Trên da sẽ xuất hiện nhiều vết thâm sẫm màu ở một số vùng, đặc biệt là ở những nơi có nếp nhăn hoặc nếp gấp da. Những khu vực thường bị thâm nhiều điển hình là cổ, nách, khuỷu tay, đầu gối và khớp nối.

    6. Sụt cân

    Khi bị tiểu đường, lượng glucose trong máu không thể sử dụng để chuyển hóa năng lượng được nên chất béo sẽ là nguồn thay thế để sử dụng tạo ra năng lượng cho cơ thể. Điều này dẫn đến việc giảm cân đột ngột. Đây chính là dấu hiệu phổ biến mà bạn nên chú ý tới khả năng mắc bệnh tiểu đường.

    7. Vết thương lâu lành

    Tiểu đường sẽ khiến cho hệ thống miễn dịch bị tổn thương, máu lưu thông kém, vì thế dẫn đến việc các vết thương ngoài da khó lành nhanh. Khi gặp tình trạng này xảy ra, hãy gặp bác sĩ để có kết quả chính xác nhất.

    8. Mệt mỏi thường xuyên

    Trong giai đoạn tiểu đường, lượng glucose vẫn sẽ lưu thông được trong cơ thể bạn. Nhưng do mức đề kháng insulin yếu, glucose sẽ không được chuyển hóa thành năng lượng nuôi dưỡng cơ thể. Điều này dẫn đến sự mệt mỏi quá mức của cơ thể.

    Nguồn : http://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/cac-loai-benh/benh-tieu-duong-va-dau-hieu-nhan-biet-som-395531.html

    ——————————-

    Dưới đây là bài viết chia sẻ của tác giả “Đào Trường Khánh”

    Qua bài đọc phía dưới các bạn sẽ thấy tác giả mắc bệnh tiểu đường type II và nhờ việc tập luyện bài Bát Đoạn Cẩm đã tự chữa khỏi bệnh. Và cũng là nhờ học một số video của thầy Trúc chia sẻ trên youtube và các tài liệu khác mà tác giả đã tập có kết quả tốt. Thầy Trúc biết được thông tin này cũng rất mừng. Để có được kết quả như vậy, ngoài việc cơ duyên thì tác giả cũng đã phải kiên trì tập luyện rất nhiều. Trong vài năm gần đây, thầy Trúc cũng đã và đang hướng dẫn tại TP.HCM và Hà Nội được một số người bệnh và đã nhiều kết quả như : bệnh huyết áp cao hoặc thấp, hen xuyễn, suy thận, lao não, đau lưng vai gáy do thoái hóa đốt sống…

    Theo số liệu thống kê, hiện nay số lượng mắc bệnh tiểu đường là 3,16 triệu người, chiếm gần 5,3% dân số – (Tham khảo bài viết trên báo Dân Trí và nhiều báo khác http://dantri.com.vn/suc-khoe/gan-53–dan-so-viet-nam-bi-dai-thao-duong-796192.htm ) Với kết quả của tác giả tự học tại nhà và chữa được bệnh tiểu đường thì đây là thông tin rất đáng mừng cho những người mắc căn bệnh khó chữa này.

    Các bạn có thể đọc trực tiếp bài viết của tác giả dưới đây. Hoặc có thể xem link tại đây : http://tailieu.vn/doc/bat-doan-cam-thuc-hanh-1203919.html

    BÁT ĐOẠN CẨM THỰC HÀNH

    Có lẽ mỗi người đến với “Bát Đoạn Cẩm” bằng những con đường khác nhau. Riêng tôi, tôi tìm hiểu và thực hành “Bát Đoạn Cẩm” như tìm một phương pháp luyện tập thể lực để chế ngự bệnh “Tiểu đường” mà tôi đã mắc phải từ tháng 7 năm 2008.

    Đúng thế! Năm 2008 tôi phải nhập viện cấp cứu và phát hiện bị Tiểu đường type II. Theo lời khuyên của sách vở và một số bạn bè, ngoài việc ăn uống theo chế độ, tôi cần đi bộ và tập luyện một phương pháp thể dục nào đó. Cũng theo lời khuyên của một người bạn, tôi tìm đến môn “Bát đoạn cẩm”. Cuốn sách mà tôi đọc đầu tiên là “Tự luyện Bát Đoạn Cẩm Thiếu Lâm” của G/s Hàng Thanh.

    Tôi thấy sách viết công phu nhưng và hấp dẫn tôi ngay từ những trang đầu tiên. Nhưng khi bắt đầu thực hành các động tác theo sách thì tôi chợt nghĩ không thể tự học phương pháp này nếu không có những hình ảnh minh họa sinh động và cụ thể hơn nhất là có một số từ trong các khẩu quyết mà tôi thấy chưa nắm bắt được. Chính vì thế tôi tìm thêm các tài liệu, hình ảnh trên mạng thông tin với mong muốn có thể tìm hiểu thêm về phương pháp luyện tập môn khí công này trong khi không tìm được một người thầy hướng dẫn.

    Vả lại tuổi không còn trẻ nên không có điều kiện tầm sư học đạo. Trước hết tôi tìm thấy trên website http://thuvien-ebook.com và tôi đã tải được một tập tin mang tên batdoancam.rar. Sau đó giải nén thành file batdoancam.prc và đọc được dễ dàng với “mobilepocket reader”. Khi đọc tập tin này tôi thấy có rất nhiều điểm về từ ngữ rất lạ và tôi được biết tác giả là lương y Bàng Cầm và được lấy xuống từ ykhoa.net của BS Phan Xuân Trung. Tuy nhiên khi mở website của BS Trung thì “Bát đoạn cẩm – bài khí công giúp tăng tuổi thọ” là một trong những bài viết trong mục “Sức khoẻ người cao tuổi” được trình bày rất tốt theo tinh thần khoa học chứ không có nhiều khuyết điểm như bài “Bài khí công “BÁT ĐOẠN CẨM” của l/y Bàng Cầm trong http://thuvien-ebook.com. Tôi rất nản chí và tiếp tục tìm kiếm thông tin trên mạng.

    Nhưng cuối cùng cũng tìm được các tập tin “video clip” trong youtube, đặc biệt là các tập tin minh họa của võ sư Phí Tường Trúc: http://youtube.com/phituongtruc và Lý Khải Vinh: http://360.yahoo.yahoo.com/khaivinhly. Xem các hình minh họa và đối chiếu với sách của g/s Hàng Thanh, tôi thấy nhiều điểm khác nhau. Khi đọc sách của g/s Hàng Thanh tôi cũng đã biết được rằng có nhiều phương pháp luyện tập “Bát Đoạn Cẩm” khác nhau tập trung ở hai phái Đạo Gia và Phật Gia.

    Tuy nhiên tôi xem các video clip minh họa thì thấy hình như các bài minh họa từ blog của võ sư Phí Tường Trúc có vẻ là những bài cải biên dễ tập hơn và các động tác liên hợp chặt chẽ với nhau hơn. Vả lại trong những “clip” minh họa đó còn nêu lên những lỗi có thể mắc phải khi tập và cả tác dụng của từng động tác. Bởi vậy tôi quyết thực hành theo các clip này. Nhưng còn khẩu quyết thì sao? “vọng hậu tiền”, “cố thận eo” là không hiểu được. Cuối cùng tôi tìm thấy văn bản của Tôn Tiểu Đậu trên mạng thông tin như sau:

    站式少林八段锦口诀

    作者:孙小豆 2007-11-27 19:13:34

    双手托天理三焦,Song thủ thác thiên lý tam tiêu

    左右开弓似射雕,Tả hữu khai cung tự xạ điêu

    调理脾胃须单举,Điều lý tì vị tu đơn cử

    五劳七伤往后瞧。Ngũ lao thất thương vãng hậu tiều

    摇头摆尾去心火,Dao đầu bãi vĩ khứ tâm hoả

    攒拳怒目增力气,Toàn quyền nộ mục tăng lực khí

    两手攀足固肾腰,Lưỡng thủ phan (phàn) túc cố thận yêu

    背后七颠百病消。Bối hậu thất điên bách bệnh tiêu

    Bài quyết này tôi tải từ website http://baike.baidu.com. Phần dịch âm là tôi ghi thêm.

    Tôi cũng đã cố gắng tìm hiểu thêm về các câu khẩu quyết và có nhận định như sau:

    Tuy tôi biết rằng cái quan trọng không phải là chữ nghĩa (lý thuyết) mà là phương pháp thực hành nhưng dù sao cũng cần tìm hiểu rõ ràng về chữ nghĩa thì thực hành mới đúng được. Vả lại tự luyện tập thì phải nghiên cứu thật kỹ để tránh được càng nhiều càng tốt việc thực hành sai có thể mang lại hậu quả không lường được. Qua những “clip” minh họa tôi được biết Bát Đoạn Cẩm ngoài thế (勢)dự bị và thế thu công có tám thế chính còn gọi là tám thức (式). Nay thử phân tích tám câu được gọi là tám thức của Bát Đoạn Cẩm (theo bài minh hoạ của Phí Tường Trúc):

    Câu 1: Song thủ thác thiên lý tam tiêu (hoặc: “Lưỡng thủ kình thiên lý tam tiêu” không mấy khác biệt về ý nghĩa: Hai tay chống trời, chữa trị các bệnh thuộc tam tiêu: thượng tiêu (tâm, phế), trung tiêu ( tì, vị), hạ tiêu (can, thận). Tôi không hiểu tam tiêu là kinh tam tiêu như g/s Hàng Thanh đã hiểu mà là phủ tam tiêu. Từ “lý” tôi không hiểu là “tưởng” đến như g/s Hàng Thanh mà hiểu là giải quyết (xử lý)

    Câu 2: Tả hữu khai cung tự xạ điêu (Tay trái và tay phải dương cung tựa như bắn chim điêu)

    Trong bài “Bài khí công “BÁT ĐOẠN CẨM”” lương y Bàng Cầm đã dịch: Tay trái, phải dương ra như xạ điêu bắn cung?

    Trong phần minh hoạ “Thiếu Lâm Bát Đoạn Cẩm” do Lý Khải Vinh tải lên mạng thì thấy ghi là: Tả hữu lập cung tự xạ điêu và động tác hơi khác với phần minh hoạ do Phí Tường Trúc tải lên mạng. Tuy nhiên ý nghĩa thì không mấy khác biệt.

    Câu 3: Điều lý tỳ vị tu đơn cử (Chữa trị các bệnh thuộc Tì và Vị cần giơ từng tay một).

    G/s Hàng Thanh và Lương y Bàng Cầm đều ghi là: Điều lý tì vị đơn cử thủ (có lẽ l/y Bàng Cầm chỉ chép lại từ bản của g/s Hàng Thanh). Tuy nhiên về ý nghĩa cũng không mấy khác biệt quan trọng.

    Câu 4: Ngũ lao thất thương vãng hậu tiều (Ngó về phía sau để trị năm chứng mệt nhọc và bảy chứng tổn thương).

    G/s Hàng Thanh ghi: “… vọng hậu tiền” (chắc chắn là sai). L/y Bàng Cầm ghi là “…vọng hậu tiều” (đúng hơn, nhưng: đã “vọng” lại còn “tiều”!). Cũng có sách ghi “hướng hậu tiều” coi như có lý.

    Câu 5: Dao đầu bài vĩ khứ tâm hoả (Lay chuyển đầu phô bày đuôi tâm hoả ra đi)

    Đầu là đầu. vĩ là đuôi nhưng người thì không có đuôi. Vậy không hiểu người xưa muốn nói gì. Hay muốn hình tượng hoá động tác giống như một “con rồng”? Theo gs/ Hàng Thanh thì là rắn chứ không phải rồng.

    Cái quan trọng là trong động tác này cần di chuyển chỉ phần thân trên. Và quan trọng hơn cả là động tác này có tác dụng “khứ tâm hoả” nghĩa là làm tan biến tâm hoả. Theo quan niệm xưa Tâm (tim) thuộc hành hoả. Khi nóng giận hoả bốc làm hại Tâm. Vậy động tác này có tính an thần. Theo như bài của lương y Bàng Cầm thì tác dụng của động tác này là: Làm tăng lượng máu lưu thông, mất tính nóng nảy vì thiếu máu. Làm máu lưu thông thì có thể hiểu còn như “tính nóng nảy do thiếu máu thì hơi khó hiểu. Về thứ tự thì trong minh hoạ của Lý Khải Vinh ghi câu này là đoạn 7 chứ không phải là đoạn 5

    Câu 6: Lưỡng thủ phan (phàn) túc cố thận yêu (Hai tay kéo (nắm) chân thận lưng được củng cố (làm cho thêm mạnh).

    Câu này được lương y Bàng Cầm xếp vào đoạn 8 và được dịch: Hai tay phang xuống chân, bền thận và giữ eo. Cái này thì, theo tôi là đại hài hước!

    Câu này trong phần minh hoạ của Lý Khải Vinh thì được xếp vào đoạn thứ 8 và ghi là: Song thủ ban tất cố thận yêu ( vẫn hợp lý)

    Câu 7: Toàn quyền nộ mục tăng khí lực (Tay nắm đấm chặt trợn mắt như nổi giận khí lực được tăng thêm)

    Câu này trong bài minh hoạ của Lý Khải Vinh được xếp vào đoạn thứ 5 (câu 8 là đoạn 6)

    Câu 8: Bối hậu thất điên bách bệnh tiêu (Sau lưng bảy lần giậm gót trăm bệnh tiêu tan).

    Tuy chưa tra cứu để hiểu rõ nghĩa của từ “điên” ở đây nhưng căn cứ vào hình ảnh minh hoạ của Phí Tường Trúc thì là giậm gót chân. Có lẽ ý nghĩa của chữ “điên” ở đây là nghiêng ngả. Vì kiễng chân lên người dễ bị ngả về phía trước. Cho nên phải nghiêng ngả để giữ thăng bằng và giậm gót để chấm dứt sự mất quân bình. Còn tại sao lại “bối hậu” thì có lẽ là tư thế hay nghiêng phía trước nên cần lưu ý giữ lưng thẳng phía sau. Trong hình minh hoạ “Võ học Thiếu Lâm Bát Đoạn Cẩm” của Lý Khải Vinh thì hai tay lại ấn đầu xương cùng nơi huyệt “yêu du”, “trường cường (“Tự luyện Bát Đoạn cẩm” của g/s Hàng Thanh cũng quan niệm như thế). Trong Võ học Thiếu Lâm ghi: Bối hậu khởi điểm giả bệnh tiêu chứ không phải “Bối hậu thất điên bách bệnh tiêu” nên ấn đầu xương cùng là phù hợp.

    Đây chắc hẳn là cái “Biến của “Quyền”. Cũng vì vậy trong thức thứ 6 minh hoạ của “Võ học Thiếu Lâm” của Lý Khải vinh cũng rất khác so với bài minh hoạ của Phí Tường Trúc (thức thứ 8).

    TÔI ĐÃ TỰ LUYỆN BÁT ĐOẠN CẨM NHƯ THẾ NÀO?

    Trước kia, khi còn trẻ, tôi đã tập thể dục theo phương pháp nổi tiếng của Thụy Điển: phương pháp của Weirheim (môn thể dục không dùng dụng cụ). Với phương pháp Weirheim tôi đã biết lúc nào lây gân và lúc nào không. Cũng như khi đọc sách của g/s Hàng Thanh tôi cũng biết chút ít thế nào là tập trung luyện khí và thế nào là tập trung dùng lực. Nhưng theo tôi không nhất thiết trong một thức (thế) là tất cả đầu dùng lực hay dùng khí. Nó biến chuyển rất tinh vi thường là theo sự tự nhiên của cơ thể.

    Tôi bắt đầu luyện tập theo các câu khẩu quyết của “Tôn Tiểu Đậu”. Tuy nhiên tôi thay đổi thứ tự các câu, trước hết cho đúng luật bằng trắc và trình tự luyện tập cũng có vẻ hợp lý hơn. Về hình thức (động tác), tôi theo các bài minh họa của Phí Tường Trúc đồng thời phối hợp với cách thở của Weirheim (những động tác co (tay, chân hoặc mình) thì thở ra và ngược lại thì hít vào. Cũng theo lời khuyên của tác giả Vũ Đức Hiền Âu, tôi luyện tập từ từ và nghe ngóng tác dụng có tốt không: có thức tôi tập cả ba tháng mới thấy hình như khá đúng. Cứ như thế đến nay hơn hai năm tôi đã có thể tập mỗi buổi liên tục 8 thức với thời lượng trên dưới 10 phút. Tôi cũng phối hợp với phương pháp ngồi tập thở theo sách hướng dẫn của B/s Ngô Gia Hy.

    Tôi thấy trong người khỏe ra và ngày càng thấy kiểm soát được chứng bệnh Tiểu đường, kết quả xét nghiệm máu, tiểu rất tốt. Tuy thời gian trên hai năm chưa đủ để kết luận hoàn toàn kiểm soát được chứng bệnh này nhưng dù sao cũng thấy có thể nên phổ biến kinh nghiệm cùng mọi người để may ra tìm được một phương pháp chung tốn ít thời gian mà thống trị được một chứng bệnh khá phổ biến hiện nay.

    Tôi xin chi tiết hóa quá trình luyện tập Bát Đoạn Cẩm.

    Ngoài 8 thức chính, cũng như bất cứ môn luyện tập nào, Bát Đoạn Cẩm còn có thức dự bị và thức thu công nữa.

    Dự bị thức:

    Thức dự bị là những động tác chuẩn bị để bước vào thức thứ nhất.

    1- Động tác chuẩn bị: đứng thẳng, mắt nhìn thẳng, hai tay xuôi theo bên hông, chân khép.

    2- Động tác 1: chân trái bước qua trái khoảng cách bằng ngang vai.

    3- Động tác 2: tay dang hai bên 45o so với mặt đất, bàn chân hướng trước.

    4- Động tác 3: khung tay về trước bụng, khuỵu gối xuống một chút.

    5- Thở tự nhiên từ 8 đến 10 lần.

    Những sai sót cần tránh khi tập thức dự bị: khi khụyu gối không thấp quá luôn để ý hai đầu gối không vượt ra ngoài các đầu ngón chân; thân mình phải ngay thẳng không khom, không ngửa, hai bàn chân song song nhau không đặt chân giống hình chữ bát (八) cũng không cong các ngón vào trong.

    ĐỆ NHẤT THỨC : Song thủ thác thiên lý tam tiêu.

    1- Tư thế chuẩn bị: sau thi hoàn tất thức dự bị, sau khi thở sâu 8-10 lần.

    2- Động tác 1: hai bàn tay đan vào nhau.

    3- Động tác 2: từ từ nâng hai bàn tay ngang ngực, đồng thời thẳng gối lên.

    4- Động tác 3: tiếp tục nâng tay, ngửa cổ xoay dần lòng bàn tay lên trên.

    5- Động tác 4: xoay cổ nhìn về phía trước, các bộ phận khác không chuyển.

    6- Động tác 5: hai bàn tay rời nhau từ từ trở lại vị trí ban đầu (vòng tay, gập gối )…

    Thực hiện từ 6 đến 9 lần.

    Ý nghĩa & tác dụng: Hai tay nâng trời, bình ổn tam tiêu:

    thượng tiêu (tim, phổi); trung tiêu (lá lách, bao tử); hạ tiêu (gan, thận)

    Điều hòa khí huyết, bổ lục phủ ngũ tạng. Ổn định tiêu hóa, tuần hoàn.

    Những sai sót cần tránh khi tập đệ nhất thức: cũng như các thức khác, thân mình luôn ngay ngắn, hai bàn chân song song.

    Đệ nhị thức: Tả hữu khai cung tự xạ điêu.

    1- Tư thế ban đầu: sau khi chấm dứt thức thứ nhất.

    2- Động tác 1: bước rộng qua trái, hai bàn tay đan chéo trước ngực.

    3- Động tác 2: gối khuỵu xuống, đồng thời bàn tay trái “chưởng” qua trái (ngón trỏ thẳng, các ngón còn lại cụp. Bàn tay phải “trảo” (các ngón đều cụp) kéo ngang ngực tưởng tượng như kéo dây cung, đầu quay trái mắt nhìn ngón trỏ trái.

    4- Động tác 3: đứng lên dồn trọng lực qua phải, hai bàn tay cùng “chưởng”,

    quay đầu qua phải, từ từ khép chân tay trở lại vị trí bình thường.

    Đổi bên, lặp lại, mỗi bên từ 6 đến 9 lần rồi trở lại vị trí ban đầu.

    Ý nghĩa & tác dụng: Tay trái, tay phải dương cung như bắn chim điêu.

    Làm mạnh cơ tay, vai, lưng, cổ.

    Điều cần lưu ý khi thực hiện đệ nhị thức: Ở bước 1 khi đan chéo hai bàn tay trước ngực cần lưu ý khi nào tay phải ở trên, khi nào tay trái ở trên : tay nào sẽ dương dây cung (trảo) thì tay đó phải ở dưới để tay còn lại dễ thực hiện chưởng (ngón trỏ thẳng) .

    Đệ tam thức: Điều lý tỳ vị tu đơn cử. ( hoặc: Điều lý tì vị đơn cử thủ)

    1- Tư thế ban đầu: Sau khi kết thúc thức thứ hai trở về tư thế ban đầu

    2- Động tác 1: tay trái đưa lên đầu, lòng bàn tay từ từ xoay ngửa lên trên đồng thời tay phải kéo ngang sườn, không đụng thân mình, bàn tay úp xuống dưới, đồng thời thẳng gối lên (hai tay và gối thực hiện cùng một lúc).

    3- Động tác 2: hai tay trở về vị trí ban đầu, đồng thời khuỵu gối xuống.

    Lặp lại, đổi bên. Mỗi bên thực hiện từ 6 đến 9 lần rồi trở lại vị trí ban đầu.

    Ý nghĩa & tác dụng:

    Điều lý tì vị cần nâng cao từng tay một. Tăng cường sinh hoạt cho tì

    (lá lách), vị (bao tử). Tác dụng rất tốt với bệnh tiểu đường.

    Điều cần lưu ý: hai tay và gối cùng làm động tác và động tác hai tay khác nhau. Khi giơ tay lên cao thân hình phải thẳng, mắt ngó ngay. Nếu phối hợp với hơi thở thì lúc này chính là lúc hít hơi vào và khi trở về tư thế chuẩn bị là lúc thở ra.

    Đệ tứ thúc: Ngũ lao thất thương vãng hậu tiều. (hoặc hướng hậu tiều)

    1- Tư thế ban đầu: sau khi hoàn tất thức thứ ba trở lại vị trí ban đầu.

    2- Động tác 1: hai tay dang ra hai bên và ra sau, đồng thời quay cổ qua trái, mắt nhìn tay trái, đồng thời thẳng gối lên (hai tay, cổ, gối thực hiện cùng một lúc thật mềm mại).

    3- Động tác 2: trở về vị trí ban đầu. Tay, cổ và gối cùng thực hiện một lúc.

    4- Động tác 3: Thực hiện như động tác 1 nhưng đầu cổ quay về bên phải (đổi bên).

    5- Động tác 4: Trở về vị trí ban đầu sau khi thực hiện mỗi bên 6 đến 9 lần

    Ý nghĩa & tác dụng:

    Liếc mắt về phía sau giải quyết được ngũ lao thất thương

    Ngũ lao: 5 cái mệt của ngũ tạng: Tâm Can, Tì, Phế, Thận do lạm dụng ăn uống hoặc làm việc quá sức. Thất thương: 7 thứ tổn thương do căng thẳng thần kinh hoặc phạm tà khí.

    Điều cần lưu ý: Khi dang hai tay và đưa ra sau thì tập trung vào hai bả vai, còn hai cánh tay thì để tự nhiên (không lấy gân).

    Đệ ngũ thức: Dao đầu bãi vĩ khứ tâm hỏa.

    1- Tư thế ban đầu: sau khi thực hiện thức thứ tư trở về tư thế sau:

    2- Động tác 1: dồn trọng tâm về trái, bước rộng qua phải, hai tay đưa lên ngực rồi từ từ đưa lên đầu, đồng thời từ từ thẳng gối lên.

    3- Động tác 2: cùng một lúc khuỵu gối xuống nửa ngồi và vòng tay xuống đùi cạnh bàn tay phía ngón út hướng về phía trước, lưng thẳng, mắt nhìn thẳng phía trước.

    4- Động tác 3: chuyển trọng tâm qua phải, toàn thân trên gập sát đùi phải, cánh tay phải gấp, cánh tay trái duỗi thẳng.

    5- Động tác 4: lấy xương khu làm tâm điểm, xoay toàn thân trên qua đùi trái.

    6- Động tác 5: trở về trước động tác 3

    Lặp lại động tác 3, 4 nhưng đổi bên (gấp thân mình về đùi trái, xoay qua đùi bên phải…)

    Thực hiện mỗi bên từ 6 đến 9 lần rồi trở về vị trí sau:

    Ý nghĩa & tác dụng:

    Chuyển đầu lắc đuôi làm tan khí tâm hoả. Làm mát người, bớt nóng nảy, ngăn ngừa tai biến mạch máu não.

    Điều cần lưu ý: chú ý bàn tay ở các động tác thực hiện thật đúng (luôn hướng xuống mặt đất). Khi xoay thân trên phải trụ vững.

    Đệ lục thức: Lưỡng thủ phan túc cố thận yêu.

    1- Tư thế ban đầu: sau khi hoàn tất thức thứ 5, giữ tư thế sau:

    2- Động tác 1: từ từ giơ hai tay lên ngang ngực, rồi giơ thẳng lên trên đầu đồng thời thẳng gối lên.

    3- Động tác 2: từ từ ngửa lòng bàn tay ra rồi từ từ đưa xuống ngang ngực rồi ra sau lưng.

    4- Động tác 3: vừa gập mình vừa dùng hai tay vuốt từ lưng xuống mông, đùi, ống chân, bàn chân

    Lưu ý không được cong chân

    5- Động tác 4: vươn thẳng hai tay ra phía trước rồi từ từ đứng thẳng lên.

    Lặp lại các động tác 2, 3, 4 cho đủ từ 6 đến chín lần rồi trở về vị trí sau.

    Ý nghĩa & tác dụng:

    Hai tay kéo chân củng cố cho thận và lưng. Làm khoẻ cơ lưng, cơ bắp chân,

    Điều cần lưu ý: khi cúi gập người nhưng không cong khớp gối, tập trung vào cơ bụng, làm tan mỡ bụng. Thức này rất giống phương pháp tập bụng của Tây phương.

    Đệ thất thức: Toàn quyền nộ mục tăng lực khí.

    1- Tư thế ban đầu: hoàn tất thức 6 ta có tư thế như sau:

    2- Động tác 1: dồn trọng tâm cơ thể qua phải, bước một bước lớn qua trái, xuống trung bình tấn trong khi hai bàn tay nắm chặt ngang hông (quyền).

    3- Động tác 2: đấm mạnh tay trái tới trước, đồng thời mắt trợn lộ vẻ giận dữ.

    4- Động tác 3: xoè bàn tay trái xoay lòng bàn tay ra phía ngoài.

    5- Động tác 4: ngửa bàn tay ra phía trước, xoay cổ tay gần 270o

    6- Động tác 5: nắm tay thu quyền về ngang hông.

    Lặp lại các động tác 2, 3, 4, 5 cho tay phải. Tổng cộng 6-9 lần mỗi bên tay.

    Chú ý: Sau khi hoàn tất khép chân, hai tay buông xuôi theo thân mình.

    Ý nghĩa & tác dụng:

    Tay nắm chặt, trợn mắt lộ vẻ giận dữ làm tăng khí lực. Làm tăng sức mạnh cho gan và do đó làm mạnh gân cốt cho toàn cơ thể, làm mát gan.

    Điều cần lưu ý: Tuy nói trợn mắt lợ vẻ giận dữ nhưng không được nhăn nhó.

    Đệ bát thức: Bối hậu thất điên bách bệnh tiêu.

    1- Tư thế ban đầu: sau khi hoàn tất thức thứ 7 ta có tư thế sau:

    2- Động tác : kiễng hai gót chân lên, giữ thân mình vững vài giây, giậm gót xuống. Thực hiện từ 7 đến 9 lần.

    Ý nghĩa & tác dụng:

    Giậm gót bảy cái, trăm bệnh tiêu trừ. Làm mềm dẻo cơ bắp chân, giúp giữ thăng bằng cho cơ thể, làm cho dáng đi đứng vững vàng, tránh những di chứng của bệnh tật.

    Điều cần lưu ý: khi chuẩn bị giậm gót thân hình phải thật thăng bằng, cổ như treo lên chớ không được co rụt cổ.

    Thu công thức

    Sau khi thực hiện hết tám thức ta phải thu công. Thế thu công làm cho cơ thể dần dần trở lại với bình thường. Trong các phép khí công dưỡng sinh thì thu công vô cùng quan trọng không nên coi thường. Thu công giúp chúng ta tránh ngưng tập luyện một cách đột ngột. Cũng như khi các vận động viên vừa chạy hết tốc lực, nay dừng lại đột ngột thì rất nguy hiểm.

    Động tác: Dang hai tay ra hai bên rồi đưa về trước bụng, bàn tay phải úp lên bàn tay trái.

    Có sách phân biệt nam tả nữ hữu nhưng theo thiển ý thì không nhất thiết.

    Thở sâu từ tám đến mười lần. Xong chà xát hai lòng bàn tay vào nhau cho nóng.

    Cuối cùng dùng hai bàn tay xoa vuốt khắp mặt để kết thúc bài thực hành.

    Bạt

    Tuy hiện giờ mỗi ngày tôi vẫn tập liên tục các thức trên trong vòng 10 phút (mỗi thức tôi chỉ tập 8 lần) nhưng lúc mới bắt đầu thì không phải thế mà tôi đã tập riêng từng thức. Những thức đầu tiên tôi tiến hành rất chậm: mỗi thức ít nhất là một tuần mới tạm thuần. Có thức (như thức thứ 5) tôi đã phải tập một tháng ròng mới thấy hơi ổn. Thế rồi sau khi thuộc các thức đến lúc tập liên tục được lại là một quá trình phức tạp vô cùng. Thế nhưng cho đến bây giờ tôi vẫn vừa tập vừa nghe ngóng, kiểm tra lại. Thế mà thỉnh thoảng vẫn phát hiện ra nhiều chỗ chưa thông. Tự học một môn khí công dưỡng sinh quả thật rất khó khăn.

    Mặc dầu cố gắng diễn đạt kèm theo hình ảnh minh họa rút ra từ các video clip được tải về từ blog của võ sư Phí Tường Trúc( không biết rõ nguồn của những video clip này), nhưng chúng tôi tự nhận thấy vẫn rất khó khăn cho các bạn tự tập luyện các động tác của Bát Đoạn Cẩm. Theo tôi nghĩ, tốt nhất các bạn có tâm nghiên cứu môn khí công tốn ít thời gian mà hiệu quả cao này nên xem thêm các “video clip” do võ sư Phí Tường Trúc đưa lên mạng thông tin. Tôi nhờ các video clip này rất nhiều trong tập luyện.

    Phải nói thẳng nếu không có những video clip này mà chỉ xem sách thì không thể nào tôi dám luyện tập môn khí công này trong khi không có người hướng dẫn. Tôi xin nhắc lại: https://www.youtube.com/watch?v=I5zXrwVBfw8 . Nếu trở ngại xin liên hệ với tôi qua email: ktdao2004@yahoo.com. Sau cùng xin chân thành cảm ơn các vị đã cung cấp cho chúng tôi những tài liệu để tôi được tiếp cận với Bát Đoạn Cẩm: võ sư Phí Tường Trúc, Lý Khải Vinh, G/s Hàng Thanh, Vũ Đức Hiền Âu… những vị thầy mà tôi chưa hề biết mặt và xin thông cảm cho về những gì các vị chưa hài lòng.

    Cũng xin thông cảm với người biên soạn bất đắc dĩ này chỉ mong giúp được những người chưa tìm được cách đơn giản để chế ngự bệnh tật ngoài ra không nhằm vào một lợi ích gì cho cá nhân dù là vật chất hay tinh thần nào khác.

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *