Học thuyết Kinh lạc trong y học cổ truyền từ ngàn xưa vốn là một bí ẩn đối với khoa học. Đông Y đã khám phá ra Kinh lạc như thế nào? Chức năng của các Kinh lạc là gì? Trước sự thần kỳ của phương pháp chữa bệnh này, các nhà y học hiện đại cũng bắt đầu dò dẫm sự tồn tại của hệ thống Kinh lạc.
Học thuyết Kinh lạc có một lịch sử lâu đời và đã được phát triển liên tục cùng với sự thực hành của y học cổ truyền. Gần 2.000 năm trước, cuốn y thư nổi tiếng Hoàng Đế Nội Kinh đã ghi lại một cách hệ thống vị trí của các đường Kinh lạc.
Đường Kinh lạc kết nối kỳ diệu giữa cơ thể người với vũ trụ
Hệ thống Kinh lạc đóng một vai trò quan trọng trong sinh lý học, bệnh lý học, và phòng ngừa bệnh. Các chuyên gia Đông Y cổ đại tin rằng con người là một phần trong kết cấu của vũ trụ, cho nên cần duy trì hài hòa quan hệ giữa Trời và vạn vật trên Trái đất (học thuyết Thiên Nhân hợp nhất ví con người như 1 tiểu vũ trụ).
Quan điểm này đã chỉ đạo cho Đông Y và có liên hệ mật thiết với vật lý học, thiên văn học, địa lý học, và triết học. Y học hiện đại không thể hiểu được các đường kinh lạc.
Đông Y tin rằng các Kinh lạc là những đường dẫn khí của cơ thể cũng như các mạch máu dẫn truyền máu trong cơ thể người. Các Kinh lạc liên kết các tạng phủ với nhau và trải rộng khắp trong cơ thể.
Tạng phủ tạng lại là nơi cư ngụ của linh hồn. Đông Y giảng rằng “thần ngụ tại tim, hồn ngụ tại gan, chí ngụ tại thận, phách ngụ tại phổi, và ý ngụ tại tì”. Sự điều khiển và vận động của kinh lạc không chỉ ảnh hưởng đến cơ thể mà còn ảnh hưởng đến tinh thần con người.
Khi tinh thần hồi phục thì thể xác cũng hồi phục theo. Tinh thần cũng là vật chất, chẳng qua nó là vật chất siêu hình và tinh vi hơn. Bởi vậy, Đông y quan niệm Tinh – Khí – Thần là 3 báu vật (tam bảo) của sinh mệnh người và muốn trị bệnh tận gốc phải trị từ tâm.
TINH gồm có tinh tiên thiên (do cha mẹ sinh ra) và tinh hậu thiên (do ăn uống, hít thở) khi đi vào hệ thống kinh lạc sẽ chuyển hoá thành KHÍ là năng lực nội sinh. THẦN là trạng thái cao nhất của năng lực nội sinh, khi mà KHÍ được vận chuyển lưu thông suốt khắp vòng chu thiên (có thể so sánh chức năng như vòng tuần hoàn máu).
Nguyên nhân gây bệnh và câu nói “Thông bất thống, thống bất thông”
Y học cổ truyền cho rằng nguyên nhân gây bệnh ở đâu là do chỗ đó mạch không thông, khí huyết không thông, mạch ứ tắc nên mới có câu: “Thông bất thống, thống bất thông” (khí thông suốt thì không đau, đau do không thông). Điều này cũng gần như Tây y nói về hiện tượng sưng viêm hoặc bệnh mỡ máu.
Trong Đông y, sự thay đổi ở các đường Kinh lạc là một dấu hiệu quan trọng cho biết về sức khỏe của một người nên thông qua bắt mạch có thể chuẩn đoán mọi bệnh tật. Có câu nói rằng: “Nó quyết định sự sống và cái chết. Nếu nó vận hành thông suốt sẽ giúp chữa được hàng trăm bệnh tật”.
Để đả thông Kinh lạc thì y học cổ truyền phương Đông có các hình thức như châm cứu, ngải cứu, giác hơi, xoa bóp bấm huyệt, khí công trị bệnh…
Những môn tu luyên cổ xưa, đặc biệt là trường phái Đạo gia, rất chú trọng đến việc đánh thông các kinh lạc, xem đây như là “thông đạo” để tiến lên cao tầng. Do đó rất nhiều môn khí công cổ xưa đều phải bắt đầu bằng việc thông chu thiên.
Khi hai mạch Nhâm và Đốc thông với nhau, thì tức là tiểu chu thiên đã được đánh thông rồi, bách bệnh đã không còn.
Khoa học hiện đại thừa nhận sự tồn tại của Kinh lạc
Nhiều nhà khoa học và các bác sĩ Tây y thường cho rằng sự tồn tại của Kinh lạc chỉ có trên lý thuyết. Nhất là với khả năng trị bệnh của khí công: không cần dùng thuốc, không cần kim tiêm, so với thể dục thì quá nhẹ nhàng… vậy mà trị khỏi bệnh khiến họ càng khó tin hơn nữa.
Tuy nhiên, trước thực tế nhiều bệnh mà y học hiện đại chữa không khỏi nhưng bệnh nhân đã thông qua châm cứu hay luyện khí công mà khỏi bệnh. Các nhà khoa học dũng cảm đã bắt đầu có những nghiên cứu về Kinh lạc.
Giáo sư Popp, tiến sĩ Schlebusch, và tiến sĩ Maric-Oehler đã tiến hành thí nghiệm với một máy quay hồng ngoại. Họ sử dụng ngải cứu để làm nóng một vùng nhất định trên cơ thể để xem hướng chạy của một Kinh lạc có trở nên nhìn thấy được không. Thông qua những bức ảnh chụp hồng ngoại, họ có thể nhìn thấy sự tăng nhiệt độ trùng khớp với đường Kinh lạc. Kết quả này hoàn toàn phù hợp với mô tả của khoa học cổ đại 5.000 năm tuổi của Trung Quốc về Kinh lạc.
Các nhà khoa học cũng đã có thể chứng minh rằng hiệu ứng của việc châm kim vào huyệt đạo có thể rút ngắn việc truyền tín hiệu đau đến tủy sống. Khi một chiếc kim được châm vào, chất endorphin trong não tăng lên (chất có tác dụng giảm đau) và những chất đưa tin (chất gây mê narcotics và chất dẫn truyền thần kinh neurotransmitters tự nhiên của cơ thể) sẽ được phân tán. Điều này có tác dụng ngăn việc kích hoạt cơn đau và thậm chí có thể làm tiêu tan nó.
Một nhà khoa học từ Học viện Khoa học Trung Quốc đã sáng chế ra một thiết bị có độ nhạy cao và phát hiện ra rằng các Kinh lạc tồn tại dưới dạng các đường phát quang. Chúng tỏa sáng gấp 2,5 lần so với các hạt photon ánh sáng.
Giáo sư Li Dingzhong, một nhà khoa học da liễu nổi tiếng và là một chuyên gia về Kinh lạc, đã quan sát 305 trường hợp bệnh ngoài da có thương tổn xuất hiện dọc theo các đường Kinh lạc. Khám phá này đã gây nên một cú sốc lớn trong giới y học quốc tế. Cuốn sách “Hiện tượng Kinh lạc” của ông đã được xuất bản ở Nhật Bản.
Nghiên cứu về Kinh lạc hiện đại vẫn dựa trên hiện tượng nên còn xa mới có thể nhìn thấy rõ ràng về khí và các Kinh lạc, còn xa mới có thể nghiên hiểu tường tận về thân thể người huyền bí.
Một điều rất đáng tiếc là người phương Đông đã quá vội vàng vứt bỏ văn hóa truyền thống hàng ngàn năm của mình để chuyển hướng sang khoa học thực chứng phương Tây. Đến khi các nhà khoa học phương Tây quay về tìm hiểu văn hóa phương Đông thì những gì còn lại chỉ là những kiến thức tản mác, thất truyền, chủ yếu được truyền miệng. Một khi những bí ẩn này được làm sáng tỏ, một cuộc cách mạng khoa học mới chắc chắn sẽ xảy ra.
Tham khảo: Zhengjian/epochtimes
Hoàng Lâm – Hoàng Kỳ