Skip to content

Thế nào là kinh lạc

    Kinh là đường thẳng đi thông mọi chỗ. Lạc là những nhánh phân ra từ kinh. Kinh lạc làm thành một mạng lưới nối tiếp, chằng chịt, phân bổ khắp toàn thân. Kinh lạc liên kết các tạng phủ, các tổ chức lại với nhau thành một chỉnh thể thống nhất.

    Đầu năm 1986, bác sĩ Jean Claude Darras và các nhà y học tại Viện Neker, đã chụp được các đường kinh lạc bằng một máy ảnh điện tử đặc biệt. Các nhà khoa học tiêm vào một số huyệt một dung dịch chứa Tecnetic (một chất hóa học có tính phóng xạ). Máy ảnh bắt được những tia Gamma phát ra từ chất này. Qua đó người ta thấy, sau khi tiêm vào các huyệt, dung dịch chứa Tecnetic nói trên đã lan tỏa theo các kinh phần nào trùng hợp với những kinh đã miêu tả trong các sách châm cứu.

    Ngược lại nếu tiêm vào một điểm khác trên cơ thể thì dung dịch chỉ tụ lại một chỗ, không hề lan tỏa. Đáng chú ý nhất là các nhà y học đã xác định được rằng các kinh châm cứu được chụp ảnh, hoàn toàn không tương ứng với các đường đi của mạch máu, đường gân hoặc đường dây thần kinh. Đó là các kinh chức năng chạy theo những đường mà cho tới nay khoa học chưa hề biết đến.

    I- ĐỊNH NGHĨA.

    Kinh lạc là tên gọi chung của kinh mạch và lạc mạch trong cơ thể, kinh là đường thẳng, là cái khung của hệ kinh lạc đi ở sâu; lạc là đường ngang, là cái lưới, từ kinh mạch chia ra như mạng lưới tới khắp mọi nơi và đi ở nông.
    Kinh lạc phân bố ra toàn thân là con đường vận hành của âm dương, khí huyết, tân dịch, khiến cho con người từ ngũ tạng lục phủ, can mạch, cơ nhục, xương, v.v… kết thành một chính thể thống nhất.

    II- CẤU TẠO CỦA HỆ KINH LẠC.

    1- Kinh mạch và lạc mạch.
    a- 12 kinh mạch chính:
    TAY:
    3 kinh âm
    – Thủ thái âm phế
    – Thủ thiếu âm tâm
    – Thủ quyết âm tâm bào lạc
    3 kinh dương
    – Thủ thái dương tiểu trường
    – Thủ dương minh đại trường
    – Thủ thiếu dương tam tiêu

    CHÂN:
    3 kinh âm
    – Túc thái âm tỳ
    – Túc thiếu âm thận
    – Túc quyết âm can
    3 kinh dương
    – Túc thái dương bàng quang
    – Túc thiếu dương đởm
    – Túc dương minh vị

    b- 8 kinh mạch phụ:
    – Nhâm mạch – Âm duy mạch
    – Đốc mạch – Dương duy mạch
    – Xung mạch – Âm kiểu mạch
    – Đới mạch – Dương kiểu mạch

    c- 12 kinh biệt đi ra từ 12 kinh chính.

    d- 12 kinh cân nối liền các đầu xương ở tứ chi không vào phủ tạng.

    e- 15 biệt lạc: từ biệt lạc phân nhánh nhỏ

    f- Phù lạc: từ tôn lạc nổi ở ngoài da

    2- Huyệt.
    Gồm 319 huyệt ở đường kinh chính, 52 huyệt ở hai đường kinh phụ cộng là 361 huyệt nằm trên 14 đường kinh (nếu kể cả hai bên là 319 x 2 + 52 = 690 huyệt) và khoảng 200 huyệt ngoài đường kinh. (Hiện nay các nhà nghiên cứu đã tìm và đặt tên thêm nhiều huyệt nữa).

    3- Kinh khí và kinh huyệt vận hành trong kinh lạc: ngoài tác dụng chung còn mang tính chất của đường kinh mà nó cư trú.

    III- TÁC DỤNG CỦA HỆ THỐNG KINH LẠC.

    1- Về sinh lý.
    • Hệ thống kinh lạc thông hành khí huyết trong các tổ chức của cơ thể chống ngoại tà bảo vệ cơ thể.
    • Hệ kinh lạc liên kết của tổ chức cơ thể (tạng, phủ, tứ chi, chín khiếu, cân, mạch, xương, da…) có chức năng khác nhau thành một khối thống nhất.

    2- Về bệnh lý.
    Khi công năng hoạt động của hệ kinh lạc bị trở ngại, gây kinh khí không thông suốt thì dễ bị ngoại tà thâm nhập và gây bệnh. Bệnh thường truyền từ ngoài vào trong, từ ngoài da cơ nhục vào tạng tức là từ kinh mạch và phủ tạng.
    Bệnh ở phủ tạng thường có những biểu hiện bệnh lý ở đường kinh mạch đi qua: vị nhiệt thì loét miệng, cơn đau ngực do co thắt động mạch vành đau ở tâm kinh, v.v…

    3- Về chẩn đoán.
    Kinh mạch nối liền với tạng phủ và có đường đi ở những vị trí nhất định của cơ thể. Căn cứ vào những thay đổi cảm giác (đau, tức, chướng) điện sinh vật trên đường đi của kinh mạch người ta chẩn đoán bệnh thuộc tạng phủ nào đó gọi là kinh lạc chẩn. Thí dụ, nhức đầu vùng đỉnh do can, đau nửa bên đầu do đởm, đau sau gáy thuộc bàng quang, v.v…
    Ngoài ra, người ta còn đo thông số điện sinh vật của các tỉnh huyệt (huyệt tận cùng đầu chi của các kinh) hay nguyên huyệt (huyệt chính của một đường kinh) bằng máy dò kinh lạc để đánh giá được tình trạng hư thực của khí huyết (huyết tay trái, khí tay phải) hoặc tình trạng hư thực của tạng phủ, so với số liệu trung bình hoặc so hai bên cơ thể với nhau, v.v…

    4- Về chữa bệnh.
    Học thuyết kinh lạc được ứng dụng nhiều nhất vào phương pháp chữa bệnh bằng châm cứu xoa bóp và thuốc. Châm cứu và xoa bóp đã thành một phương pháp chữa bệnh độc đáo đạt nhiều thành tựu to lớn.
    Học thuyết kinh lạc chỉ đạo việc quy tác dụng của thuốc tương ứng với tạng, phủ hay đường kinh nào đó gọi là sự quy kinh của thuốc.
    Thí dụ:
    – Quế chi vào phế nên chữa ho cảm mạo.
    – Ma hoàng vào phế nên chữa ho hen, vào bàng quang nên có tác dụng lợi niệu.

    III- TÁM MẠCH KỲ KINH.

    12 kinh mạch có quan hệ trực tiếp với nội tạng nên gọi là chính kinh. Kỳ kinh là khoảng giao nhau của tất cả 12 kinh mạch, thông qua 12 kinh mạch và phát sinh quan hệ gián tiếp với nội tạng, là kinh mạch ngoài chính kinh. Vì nó khác với 12 kinh mạch nên gọi là kỳ kinh.

    Mạch kỳ kinh là: Đốc, Nhâm, Xung, Đới, Âm duy, Dương duy, Âm kiểu, Dương kiểu. Trong 8 mạch kỳ kinh, chỉ có hai mạch Nhâm, Đốc là đi thẳng giữa hai mặt trước, sau của cơ thể, chúng có những huyệt chuyên thuộc của nó. Sáu kinh còn lại đều phụ theo ở 12 kinh mạch kia, không có chuyên huyệt của từng kinh. Do tính chất trọng yếu của hai mạch Nhâm, Đốc trong châm cứu, cho nên người ta gộp vào với 12 kinh mạch gọi cả là 14 kinh.

    A. Đặc điểm sinh lý của 8 mạch kỳ kinh.

    Tám mạch kỳ kinh là một thông số lạc đặc thù của việc điều tiết vận hành khí huyết. Công năng chung của nó là điều tiết khí huyết của 12 kinh mạch. Như khi khí huyết ở 12 kinh mạch đầy đủ cũng đưa nhiều khí huyết cho tám mạch kỳ kinh chứa giữ. Những lúc 12 kinh mạch khí thiếu khí huyết thì tám mạch kỳ kinh cấp bổ sung lại.

    1. ĐỐC mạch tuần hành ở chính giữa cột sống, các dương kinh ở tay chân trong 12 kinh mạch đều giao hội với Đốc mạch. Vì thế Đốc mạch có tác dụng thống soái các dương kinh, do đó cũng gọi là “dương kinh chi hải” (bể chứa các dương kinh).

    2. NHÂM mạch tuần hành ở chính giữa bụng, ba kinh âm ở chân đến giao hội với Nhâm mạch ở vùng dưới rốn. Vì Nhâm mạch có tác dụng tổng nhiệm âm kinh cho nên cũng gọi là “âm kinh chi hải” (bể chứa các âm kinh).

    3. XUNG mạch bắt đầu từ trong ngực, đi ở hai bên cạnh bụng, trên kinh túc thiếu âm thận, quan hệ mật thiết với hai mạch Nhâm, Đốc, chiếm địa vị trọng yếu trong con người vì vậy cũng gọi là “kinh lạc chi hải” (bể chứa các kinh lạc).

    4. ĐỚI mạch ở phía dưới sườn, đi vòng quanh người như một cái vòng gai, có tác dụng thúc các kinh đi đều.

    5. “Duy” có nghĩa là duy hệ (giữ mối liên lạc về một hệ). Dương duy mạch bắt đầu từ gót chân ra mắt cá ngoài gộp với túc thiếu dương đảm kinh đi lên liên hệ với các dương kinh; Âm duy mạch bắt đầu từ cạnh trong bắp chân, theo túc thái âm tỳ kinh đi lên quan hệ với các âm kinh.

    6. “Kiểu” mạch có nghĩa là mạch nhẹ nhõm và mạnh mẽ như cái cà kheo. Dương kiểu mạch bắt đầu từ cạnh ngoài gót chân song hành với túc thái dương kinh đi lên; Âm kiểu mạch bắt đầu từ cạnh trong gót chân theo túc thiếu âm đi lên, cả hai có tác dụng làm cho chi vận động được khỏe (là sức giữ cho hai chân thẳng vững như hai cái cà kheo kẹp trong ngoài chân).

    B. Đầu, cuối của tám mạch kỳ kinh và chủ trị của nó.

    1. ĐỐC mạch. Gồm 28 huyệt. Bắt đầu từ trong bụng dưới, đi ra từ Hội âm, phía sau đi lên theo phía trong cột sống, lên thẳng phía sau gáy, đến phong phủ thì vào não, lên đến đỉnh đầu, theo trục giữa đi ra trước trán, xuống đến dưới đầu mũi đến phía trong môi trên thì nối tiếp với Nhâm mạch.
    Chủ trị: cấp cứu, bệnh tình chí, đau đầu, lưng đau, uốn ván.

    2. NHÂM mạch. Gồm 24 huyệt. Kinh mạch bắt đầu tuần hành từ bụng dưới, ra từ huyệt Hội âm, hướng lên gò mu đến Trung cực thì đi vào bụng, theo đường giữa bụng đi lên vòng môi, qua hai má mặt và phía dưới ổ mắt thì dứt. (H.21)
    Chủ trị: bụng dưới đau, bí đái, đái dầm, kinh nguyệt không đều, chảy máu dạ con, sán khí, hư thoát, đau dạ dày, ỉa chảy, ho hen.
    Kinh này ngoài hai huyệt Quan nguyên, Khí hải có tác dụng bồi bổ sức khỏe toàn thân, các huyệt còn lại nói chung chỉ có tác dụng chữa các bệnh cục bộ (bao gồm cả nội tạng nơi đó).

    3. XUNG mạch. Xung mạch và Nhâm mạch cùng bắt đầu từ huyệt Hội âm, hướng đi lên ven theo cột sống trong sâu, tản vào trong ngực, hội với hầu.
    Chủ trị: khí xông ngược lên, đau bụng.

    4. ĐỚI mạch. Bắt đầu từ dưới sườn cụt, vòng quanh thân một vòng kín.
    Chủ trị: trong bụng đầy tức, phần lưng không mềm mại.

    5. ÂM KIỂU mạch. Cũng là một kinh mạch được tách ra từ túc thiếu âm thận, bắt đầu từ phía sau huyệt Nhiên cốc, đi thẳng lên đến cạnh trong đùi, vào cơ quan sinh dục, lên phía trong ổ bụng, nối ra ở phía trước động mạch Nhân nghinh rồi nhập vào khóe mắt trong.
    Chủ trị: chân bai ra ngoài (ngoại phiên) liệt thần kinh khoeo trong.

    6. DƯƠNG KIỂU mạch. Bắt đầu từ giữa gót chân, ven theo mắt cá ngoài đi lên tới huyệt Phong trì túc thiếu dương đảm kinh.
    Chủ trị: chân bai vào trong (nội phiên).

    7. ÂM DUY mạch. Bắt đầu từ chỗ các âm kinh giao hội, men theo cạnh trong đùi, bụng dưới, ven theo sườn, lên đến hai bên họng.
    Chủ trị: đau tim.

    8. DƯƠNG DUY mạch. Bắt đầu từ chỗ các dương kinh giao hội, ven theo cạnh ngoài đầu gối, bụng dưới, bên cạnh, ven sườn lên đến vai và khuỷu tay, đi qua phía trước vai, đi vào sau vai, lên phía sau tai, xuống đến trán.
    Chủ trị: hàn nhiệt.

    MỘT SỐ ĐƯỜNG MẠCH LIÊN QUAN TỚI SỨC KHỎE PHỤ NỮ

    Theo lý luận của đông y, bốn mạch xung, nhâm, đốc và đới có quan hệ chặt chẽ với nhau, phối hợp chỉ đạo các hoạt động trong suốt quá trình phát dục, phát triển cơ thể, thai nghén, sinh sản, tạo sữa nuôi con, hành kinh, tắt kinh…

    Sinh lý học của cơ thể con người theo đông y không ngoài sự hoạt động của âm dương, nhưng do chức năng sinh sản mà có sự khác biệt về giới tính. Để đảm bảo được nhiệm vụ đặc thù đó, cấu tạo cơ thể của nam và nữ có sự khác biệt về cơ quan sinh sản để đáp ứng phù hợp với từng thời kỳ trong quá trình phát dục, kinh nguyệt, thụ thai, sinh sản và nuôi con.

    Sách “Nội kinh” viết: “Con gái 7 tuổi, thận khí thịnh, răng thay tóc dài; 14 tuổi mạch nhâm thông, mạch xung thịnh, kinh nguyệt bắt đầu ra, có thể sinh con…; 21 tuổi thận khí thịnh, cơ thể phát triển hoàn thiện sung sức, răng mọc đủ, tóc dài…; 35 tuổi mạch dương minh suy, da mặt bắt đầu thay đổi, sạm da, tóc kém mượt và bắt đầu rụng…; 42 tuổi ba mạch dương đều suy, da mặt sạm khô, tóc bắt đầu bạc…; 49 tuổi mạch nhâm hư, mạch xung suy, kinh túc thiếu âm thận giảm, mạch xung và mạch nhâm không thông, kinh nguyệt hết, không còn khả năng chửa, đẻ”.

    Mạch XUNG: từ bào cung (dạ con) vào cột sống, nhánh nông đi từ huyệt Hội âm ra huyệt Khí xung, cùng kinh Thiếu âm thận lên rốn, lên phân bố ở ngực, tụ lại ở họng, cuối cùng là vòng quanh môi.
    Mạch xung là bể của 12 kinh mạch, quản lý khí huyết của các cơ quan nội tạng (“Nội kinh” viết: “Xung vi huyết hải”). Mạch xung cùng với mạch nhâm điều hành quá trình duy trì, phát triển thai, sản của phụ nữ. Những biểu hiện bệnh lý của mạch xung gồm kinh nguyệt không đều, khí hư, đái dầm, không sinh đẻ được, thoát vị, khí từ bụng dưới thông lên ngực làm đau vùng tim, tiểu tiện bí. Mạch xung có liên quan nhiều tới các bệnh bụng, ngực đau cấp, suyễn.

    Mạch NHÂM: từ huyệt Hội âm qua huyệt Mao tế, Quan nguyên, lên thanh quản, cằm, mặt rồi đi vào trong mắt.
    Mạch nhâm có nhiệm vụ điều hòa phần âm của toàn thân, cùng với mạch xung điều hành quá trình duy trì, phát triển thai, sản của phụ nữ, và có liên quan trực tiếp tới việc sinh đẻ. Mạch nhâm có liên quan nhiều tới các bệnh thoát vị (ở nam giới), khí hư, tích báng (u nang), khó hoặc không chửa đẻ được.

    Mạch ĐỐC: từ huyệt Hội âm, qua huyệt Trường cường, dọc theo cột sống lên huyệt Phong phủ, vào não, lên đỉnh đầu (huyệt Bách hội), sang trán, lên mũi rồi kết thúc ở chân răng hàm trên (huyệt Nhân trung).
    Mạch đốc có tác dụng điều chỉnh và gây phấn chấn dương khí toàn thân, đảm bảo sự liên hệ giữa thận với huyệt Mệnh môn để duy trì dương khí của cơ thể. Mạch đốc còn có nhiệm vụ liên lạc với kinh Can (Gan). Những biểu hiện bệnh lý của mạch đốc gồm cột sống cứng hoặc mềm yếu quá, vận động khó khăn, nếu bệnh nặng thì co cứng như uốn ván, hoặc đầu váng, lưng đau.

    Mạch ĐỚI: bắt đầu từ dưới bờ sườn, đi chếch xuống huyệt Đới mạch, rồi vòng quanh bụng.
    Mạch đới có tác dụng điều phối hoạt động của các đường kinh, làm cho chúng đi đúng đường. Đường mạch này cũng có quan hệ với kinh nguyệt. Những biểu hiện bệnh lý của mạch đới gồm bụng đầy chướng, lưng lạnh, có liên quan tới khí hư, hoặc chân teo liệt.

    Các huyệt vị trên bốn mạch xung, nhâm, đốc, đới liên quan nhiều tới sinh lý, bệnh lý của phụ nữ, đặc biệt là quá trình phát dục, thai nghén và sinh sản. Do đó, trong quá trình phát triển phát dục tới lúc trưởng thành (từ 7 – 21 tuổi), nữ giới cần chú ý trong lao động, luyện tập không tác động quá mức tới đường đi của các mạch này, làm ảnh hưởng đến chúng và đến mối liên quan giữa các kinh mạch trên cơ thể, dẫn tới những hậu quả đáng tiếc về thể lực, vóc dáng, thẩm mỹ và quá trình thai sản.

    Đặc biệt, đối với phụ nữ, những biến động theo chu kỳ kinh nguyệt hoặc trong quá trình chửa, đẻ, nuôi con… luôn có tác động và ảnh hưởng nhiều tới khí, huyết, tinh thần. Nếu gặp một trong những yếu tố tâm sinh lý bất thường, như thất tình hoặc phòng dục quá độ, sẽ khiến khí huyết suy tổn, gây ra bệnh tật và cũng tạo cơ hội thuận lợi cho các nguồn bệnh bên ngoài thâm nhập vào cơ thể.

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *