Ngũ Cầm Hí là bài dưỡng sinh của Hoa Đà giúp cải thiện chức năng ngũ tạng, dựa trên mô phỏng động tác của hổ, hươu, gấu, khỉ, chim.
Hoa Đà là thầy thuốc nổi tiếng cuối thời Đông Hán và đầu thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc, được xưng tụng là “thần y”. Hoa Đà không chỉ nổi tiếng trong Trung Quốc mà còn được người dân các nước láng giềng như Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc biết đến. Ông được xem là một trong những ông tổ của Đông Y.
Theo People, một trong những đóng góp nổi bật cho Đông Y của Hoa Đà là Ngũ Cầm Hí, bài khí công dưỡng sinh dựa trên điệu bộ của 5 loài động vật hổ, hươu, gấu, khỉ và chim thuộc ngũ hành, tượng trưng cho ngũ tạng. Mỗi động tác trong bài khí công này đều có tác dụng riêng, quan trọng nhất là duy trì sức khỏe và phòng chống bệnh tật, rèn luyện và cải thiện chức năng của cơ thể.
Các động tác trong Ngũ Cầm Hí bao gồm:
Lộc hí (mô phỏng động tác con hươu) xoa bóp các kinh mạch ở gan và dạ dày, phòng ngừa và điều trị rối loạn chức năng gan và dạ dày như kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh.
Hầu hí (mô phỏng động tác khỉ) thư giãn tim và ngực, kinh thông mạch máu, kích thích tinh thần và ngăn ngừa các vấn đề về tim mạch.
Hùng hí (mô phỏng động tác gấu) giúp phần bụng được thoải mái, tăng cường chức năng dạ dày, phòng tránh viêm loét dạ dày và táo bón.
Điểu hí (miêu tả động tác loài chim) rèn luyện các khớp tay và cơ ngực, hỗ trợ hô hấp, tăng cường chức năng phổi và ngăn ngừa tình trạng tắc khí dẫn đến cơ thể suy nhược.
Hùm hí (miêu tả động tác của hổ) giúp các phần hông, lưng, vai vận động mềm mại, giảm đau cơ hiệu quả, tăng cường điều hòa khí huyết ở thận, phòng ngừa bệnh thận và các vấn đề như kinh nguyệt không đều, bệnh ở tuyến tiền liệt.
Bí kíp Ngũ Cầm Hí thịnh hành vào cuối thời nhà Hán, đến nay vẫn được lưu truyền rộng rãi ở Trung Quốc và du nhập vào các nước khác trong đó có Việt Nam. “Thần y” Hoa Đà khuyến khích người dẫn mỗi ngày tập bài dưỡng sinh này một lần, duy trì trong vòng một năm để tăng tuổi thọ và cải thiện sức khỏe.
Nguyễn Xuân